“THỊ TRƯỞNG” CỦA THÀNH PHỐ ẢO

nexsoft.vn 13/01/2024

Đây là điều nằm vững chắc trong suy nghĩ của Jeffrey Bezos.

Gốc rễ của đế chế Amazon không xuất phát từ thung lũng Silicone mà từ phố Wall, đó là nơi mà anh chàng sinh viên tốt nghiệp trường Princeton nhìn thấy những cơ hội của mình khi còn làm việc tại quỹ đầu tư Deshaw & Co.

Vào năm 1994, Deshaw & Co là công ty đã thúc đẩy phố Wall bước vào thời kỳ nhảy vọt khi giới thiệu và cung cấp cho thị trường các dữ liệu được phân tích trên nền tảng Internet. Và thời điểm đó, sự bùng nổ lần thứ hai của Internet khiến Jeff Bezos cảm thấy hấp dẫn. Trong một xã hội mà việc giao tiếp, kết nối được thực hiện đa phần bằng các cách thức truyền thống, thì sự bùng nổ Internet như mang đến một đại lộ cao tốc giữa những con đường nhỏ.

Với suy nghĩ cực nhạy bén khi nhìn tốc độ phát triển lên tới 2.300% một năm của cuộc cách mạng Internet lần thứ 2, Jeff quyết định đi tìm một phương án kinh doanh phù hợp với sự tăng trưởng khủng khiếp trên “xa lộ” này, dù khi đó Jeff không có kinh nghiệm về bán hàng cũng như không hiểu quá rõ về Internet.

Và sách là những gì chàng trai này lựa chọn. Một cửa hàng sách lớn hơn tất cả những gì từng có, đó là những gì Jeff mường tượng.

Anh quyết định nghỉ việc chứ không chỉ thực hiện kế hoạch này song song với công việc tại quỹ tài chính. Tất nhiên, dù bạn sống ở đất nước nổi tiếng với “giấc mơ Mỹ”, việc này nghe cũng không ổn cho lắm.

Nhưng có vẻ như Jeff khá chắc chắn với kế hoạch của mình. Anh và người bạn gái MckenZie Scott (người sau này là vợ và trở thành người phụ nữ giàu thứ 3 thế giới) quyết định từ bỏ mọi thứ đang có, chuyển tới Seattle và thành lập công ty bán sách trực tuyến.

Bạn bè hỏi Jeff Bezos:

– Tại sao mọi người lại muốn mua một thứ gì đó từ cậu, thay vì từ những nơi mà họ đã có?

– Bởi vì chúng tôi sẽ có nhiều hơn bất kỳ ai.

Những người xung quanh đánh giá Jeff Bezos là một người “kiên định và không nao núng”. Anh cũng đủ cứng đầu để thực hiện một công việc cho đến khi bị chứng minh là sai hoặc là đạt được thành công với nó.

Your browser does not support this video

Tháng 7 năm 1994, Amazon chính thức ra đời.

Có thể nói, Jeff Bezos vận dụng rất tốt câu nói: “If the mountain will not come to Mohammed, Mohammed will go to the mountain”. Nghĩa rằng, nếu ngọn núi không tới với Mohammed thì Mohammed sẽ tới với ngọn núi. Với tư duy của một người khởi nghiệp, nếu như khách hàng không biết đến và không tiếp cận tôi, vậy tôi sẽ tiếp cận khách hàng và để họ biết đến mình.

Jeff Bezos chứng minh sự khác biệt của mình khi mang đến cho độc giả quyền lựa chọn số lượng sách khổng lồ, hoàn toàn không phải di chuyển, tất cả những gì người dùng cần đó là một màn hình máy tính. Chọn đúng thời điểm, đánh trúng nhu cầu khách hàng đó là lý do Amazon ngay khi ra mắt đã trở thành “thư viện Online” có quy mô lớn nhất nước Mỹ khi đó.

Sau những cuốn sách, Jeff nghĩ rằng “cửa hiệu online” Amazon, không nên chỉ là nơi bán sách. Điều này sẽ lãng phí tiềm năng khổng lồ. Amazon phải là nơi có thật nhiều hơn thế, như Jeff Bezos nói: “Người ta có thể mua một chiếc thuyền kayak từ Amazon. Khi mua được chiếc thuyền, chúng ta sẽ cung cấp cho họ nhiều nơi thích hợp để sử dụng nó và cả dịch vụ di chuyển, du lịch”.

Những tham vọng này là rất rõ ràng.

Your browser does not support this video

Jeff Bezos là anh chàng có tiếng cười sảng khoái, hơi đứt đoạn và điều đó vẫn tiếp diễn từ khi còn trẻ và đến hiện tại. Cách thể hiện của Jeff trước công chúng cũng vậy, thoải mái, tự nhiên và có phần hơi…trẻ con. Đó cũng là sự thể hiện cho một kẻ muốn “bán tất cả mọi thứ” trong vũ trụ.

Tại Amazon thời điểm đó, Jeff Bezos tiếp tục từng bước cải thiện mô hình và hệ thống của mình với phương châm: Khách hàng là ưu tiên số một. “Anh chàng không khoan nhượng” luôn rõ ràng và nghiêm túc để giữ cho thương hiệu Amazon, khi còn là một cửa hàng sách lớn nhất thế giới, luôn được tin tưởng.

“Luôn có một chiếc ghế trống trong các cuộc họp của chúng tôi. Chiếc ghế đó tượng trưng cho khách hàng, người luôn ở đó mà chúng tôi phải thấu hiểu. Chúng tôi luôn tự nhắc mình rằng cần nghe tiếng nói từ khách hàng” – John Rossman, một cựu lãnh đạo của Amazon cho biết.

Bên cạnh việc kinh doanh đang vận hành, Jeff luôn đặt “dữ liệu” ở một vị trí quan trọng vì sự nhạy cảm với tương lai của mình. Trên thế giới “ảo”, một điều cực kỳ “thật” mà cơ sở kinh doanh có thể biết và nắm được đó là “hành vi người dùng”. Thu thập các dữ liệu này cũng chính là điều rất nghiêm túc mà Amazon chú ý đến và song song triển khai từ thời điểm đầu. Tất cả các dữ liệu này đều được ghi lại và theo dấu và chúng được coi là một “nguồn tài nguyên mới” – thứ vô cùng giá trị.

Cửa hàng trực tuyến của Amazon lúc này thêm một chức năng, đó là một phòng thí nghiệm với Jeff. Và đội ngũ quản lý của Amazon nhìn nhận, ai có thể nắm giữ, truy cập và sử dụng những thông tin này – sẽ trở thành Vua. Chúng ta xem những gì, trong bao nhiêu lâu, những thứ tương đồng mà bạn quan tâm…hệ thống đều ghi lại. Từ đây, cửa hàng sẽ mang đến những gợi ý tương tự, nhắc nhở liên quan. Điều này trước hết sẽ giúp cho việc phục vụ khách hàng được tốt hơn. Ở thời điểm hiện tại, điều này hầu hết đều đã được các tổ chức, công ty trên thế giới thực hiện. Tuy nhiên, ở thời điểm trước những năm 2000 thì đó là một khái niệm vô cùng xa lạ hay thậm chí là…kỳ lạ.

Tất nhiên, trong nội bộ công ty cũng đã có những suy nghĩ trái ngược. Khách hàng – những người đối với Amazon, đáng lẽ được coi như chúa trời, thì nay lại trở nên giống với những chú bò sữa, bị lùa vào cùng một nơi và chờ để bị vắt sữa. Việc sử dụng thông tin từ khách hàng nay lại trở thành vấn đề khi chính nhân viên của hãng cảm thấy thiếu tôn trọng khách hàng.

Tuy nhiên vấn đề này bị gác sang một bên bởi các con số phát triển ấn tượng. Lượng khách hàng của Amazon liên tục gia tăng theo cấp số nhân. Và sau mỗi lần thống kê, số người tham gia sử dụng dịch vụ lên tới hàng trăm ngàn người.